Sau những giờ lao động mệt nhọc, người dân sở tại, cũng như du khách có nhu cầu tìm đến các khu vui chơi để giải trí, thư giãn tinh thần.  Trong khi đó, hệ thống công viên, sân chơi công cộng của quận Hà Đông đến nay còn lèo tèo, nếu không muốn nói là chẳng có gì.

Khu vui chơi giải trí: Quá thiếu!



Quận Hà Đông cũng như nhiều đô thị khác đang "mắc" ở trong tình trạng thiếu khu vui chơi cho trẻ em và thiếu cả không gian nghỉ ngơi, giải trí cho người dân lao động. Hiện nay, Hà Đông có nhiều công trình phục vụ hoạt động sinh hoạt văn hóa thể thao, nhưng khu vui chơi giải trí công cộng vẫn chưa được quan tâm đầu tư phát triển đúng mức nên các hoạt động còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo số liệu của UBND quận Hà Đông, tổng số thiết chế TDTT, vui chơi giải trí trên địa bàn hiện có là 80 thì chỉ có 5 khu vui chơi ở các phường Văn Quán, Mộ Lao, Yết Kiêu, Hà Cầu và Quang Trung; 3 khu công viên cây xanh. Phần lớn những khu vui chơi, công viên này đều có quy mô nhỏ, ít được đầu tư nên trang thiết bị còn sơ sài, các hoạt động cũng hết sức nghèo nàn, thiếu sức hấp dẫn. Trong khi đó, Hà Đông lại là một quận lớn của TP Hà Nội cả về diện tích, quy mô dân số và là một quận mới, đang trên đà phát triển.

Trong số các khu vui chơi, công viên trên địa bàn quận Hà Đông, đáng chú ý nhất có thể kể đến là vườn hoa thiếu nhi và công viên Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, tại đây cũng có quá ít những dịch vụ đi kèm, trò chơi cho trẻ em đơn giản, ít được đổi mới nên chưa tạo được sức hấp dẫn. Quanh đi quẩn lại từ rất lâu rồi vẫn là các trò chơi lái xe ô tô, tàu, tô tượng, nhà bóng...

Công viên Nguyễn Trãi ngay bên cạnh cũng chỉ là nơi người lớn tuổi đi bộ vào các buổi tối. Do đó, chưa phát huy hết khả năng khai thác lợi ích để phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng lớn. Toàn bộ khu công viên rộng hàng nghìn m2 nhưng mới chỉ có một quán café ở góc vườn hoa, tuy đã đáp ứng một phần nhu cầu thư giãn, giải trí của người dân nhưng như vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Lẽ ra ở một nơi trung tâm, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân như vậy phải có những dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí phù hợp để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thưởng thức cái đẹp của nhân dân sau một ngày làm việc mệt nhọc. Ông Nguyễn Đăng Minh - một người dân Hà Đông nêu ý kiến: “Giá như ở đây có một vài điểm vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống… để người dân sau những giờ làm việc căng thẳng đưa con cái dạo chơi, xem phim 3D, ngồi uống ly cà phê, tĩnh tâm thư giãn thì tuyệt biết bao!”.

Đó là chưa kể, tại hầu hết công viên công cộng, ngoài trò “đi dạo” cùng bố mẹ thì trẻ em cũng chẳng có trò gì để chơi trong một không gian thường không mấy vệ sinh. Hơn nữa, công viên còn là chốn hẹn hò tâm sự của những đôi trai gái nên nhiều người e dè không dám đưa con cháu đến.

Chính vì thiếu những khu vui chơi tầm cỡ, gần gũi với thiên nhiên nên người dân quận Hà Đông và con em họ muốn được nghỉ ngơi, vui chơi, sử dụng những dịch vụ mới lạ, hiện đại thì phải đi xa tới các điểm dịch vụ ở quận huyện khác hoặc phải chấp nhận vào chơi tại các khu mua sắm. Nhưng tại đây không có nhiều trò chơi giúp trẻ vận động mà chỉ thiên về các trò chơi điện tử, không gian chật hẹp, sự hòa đồng với thiên nhiên rất hạn chế và giá dịch vụ khá đắt đỏ.

Xã hội hóa- một hướng đi đúng
Hà Đông có thiếu tiềm năng để xây dựng, phát triển những khu vui chơi giải trí tầm cỡ hay không? Câu trả lời có lẽ là không bởi theo quy hoạch quận này đã dành tới hàng trăm ha đất để làm công viên cây xanh, bên cạnh đó, một số khu vực vẫn còn quỹ đất công. Mặt khác, nếu tận dụng, đầu tư mở rộng và khai thác tốt những khu công viên, những điểm vui chơi hiện có cũng có thể giải quyết được một phần quan trọng nhu cầu hiện tại của người dân.

Tuy nhiên, dự án Khu Công viên cây xanh văn hóa TDTT vui chơi giải trí của Hà Đông, vốn được xem là một tổ hợp công viên thể dục thể thao giải trí hiện đại có quy mô khoảng 100 ha đã được quy hoạch từ những năm 2006- 2007 nhưng hiện nay, vì nhiều nguyên nhân vẫn chưa thể triển khai. Còn việc đầu tư cải tạo và mở rộng dịch vụ tại những khu vui chơi, công viên hiện có vẫn "vướng" về cơ chế và gặp khó khăn về vốn.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, hướng đi được cho là phù hợp, có tính khả thi đó là huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác này. Thực tế cũng cho thấy, ở nhiều nơi, những điểm vui chơi có cung ứng dịch vụ phụ trợ như trò chơi điện tử, chiếu phim... do Nhà nước đầu tư thường không phát huy tác dụng, thì việc xã hội hóa các điểm vui chơi chính là cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

Tại nhiều địa phương, việc xã hội hóa điểm vui chơi giải trí đã được thực hiện và đem lại kết quả khá khả quan chẳng hạn như ở Hải Phòng với khu giải trí New Space bên hồ An Biên, tại đây có khu thể thao cho người lớn, khu vui chơi cho trẻ em với phòng chiếu phim 3D hiện đại. Nơi đây cũng trở thành nơi dừng chân nghỉ mát ngắm cảnh cho khách du lịch và người đi dạo quanh hồ. Ở Đà Nẵng cũng có gia đình ông Võ Thành Trung, ở quận Hải Châu đang là chủ sở hữu 5 điểm vui chơi đối với cả trẻ em và người lớn là Nhà văn hóa Lao động thành phố, phường Hòa Khánh Nam, Nhà trẻ Tiên Sa, chợ Cẩm Lệ, công viên Thanh Bình. Chính quyền TP Đà Nẵng cũng có chính sách khuyến khích người dân đầu tư xây dựng khu vui chơi bằng việc tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, hỗ trợ về chi phí thuê mặt bằng...

Có thể nói, việc giải quyết vấn đề thiếu khu vui chơi giải trí ở quận Hà Đông không phải là bài toán không có lời giải. Tuy nhiên, để làm được điều này, TP Hà Nội và quận cần quy hoạch và dành quỹ đất để xây dựng các khu vui chơi chơi; có chủ trương cụ thể về việc xã hội hóa đối với các khu vui chơi đã được xây dựng mà không phát huy hiệu quả. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ chủ đầu tư về các hồ sơ, thủ tục để việc đầu tư sân chơi cho trẻ được thuận lợi và mang tính lâu dài, bền vững. Ngành văn hóa các địa phương cần có sự quan tâm sâu sát, cùng chủ đầu tư quản lý tốt các khu vui chơi, tạo thành nét đẹp trong xây dựng văn hóa đô thị.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét